Tay chân miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thứ sáu - 07/08/2020 22:12

Tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra (Enterovirus có nhiều dạng khác nhau như Coxsackievirus, Echovirus,…). Phần lớn người mắc bệnh tay chân miệng là do virus Coxsackievirus A16, bệnh nhân sẽ phục hồi mà không cần điều trị chuyên sâu. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng còn do chủng virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra, đây là thể bệnh nặng vì thường kèm theo các dạng biến chứng nguy hiểm khác.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân thường thấy gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em là virus Coxsackievirus A16, đây là thể bệnh nhẹ, dễ lây lan và bệnh nhân sẽ tự phục hồi trong khoảng 7-10 ngày.

virus coxsackievirus A16

Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2018, cả nước có 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có tới 21% số trường hợp bệnh tay chân miệng do virus EV71. Khi người bệnh nhiễm EV71 có nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như viêm màng não do virus, viêm não hoặc các vấn đề liên quan đến cơ tim, hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu, từ tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đặc trưng của bệnh là các vết loét ở miệng và phát ban ở tay và chân của trẻ. Bệnh phát triển qua 4 giai đoạn:

1. Giai đoạn ủ bệnh

Từ 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus. Ở giai đoạn này chưa có biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường.

2. Giai đoạn khởi phát

Triệu chứng sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy vài lần trong ngày, đôi khi sờ thấy hạch ở cổ, hạch ở hàm dưới. Giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 1 – 2 ngày sau đó bệnh sẽ tiến triển rất nhanh qua giai đoạn toàn phát.

3. Giai đoạn toàn phát

Từ 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

  • Viêm loét miệng: Xuất hiện mụn nước nhỏ (đường kính 2 -3 mm) ở niêm mạc miệng, má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các bóng nước vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt, khiến trẻ đau khi ăn và vì thế trẻ rất dễ biếng ăn.
  • Phát ban toàn thân: Xuất hiện các bóng nước lớn hình bầu dục lồi (đường kính 2 – 10 mm) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông và nổi ban toàn thân có thể ở trên da hoặc ẩn dưới da.
  • Biến chứng: Trẻ có biểu hiện sốt, buồn nôn, một số trường hợp sốt cao, nôn nhiều có thể xuất hiện các biến chứng thần kinh như rối loạn tri giác, lơ mơ, mê sảng, có giật,… Các biến chứng này thường xuất hiện rất sớm từ ngày 3 đến ngày 5 của bệnh.

4. Giai đoạn lui bệnh

Từ 7-10 ngày tính từ ngày bệnh khởi phát, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra các biến chứng như trên. Trường hợp xảy ra các biến chứng: sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 tiếng, trẻ quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, thở khó… thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

phát ban do bệnh tay chân miệng

Phân loại mức độ nặng của bệnh

Mức độ 1: Bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, chỉ gây loét và tổn thương da.

Mức độ 2: Xảy ra các biến chứng thần kinh, tim mạch nhẹ. Một số dấu hiệu nhận biết:

  • Giật mình trên 2 lần/30 phút.
  • Giật mình dưới 2 lần/30 phút và nhịp tim nhanh trên 150 lần/phút.
  • Sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39°C kèm theo biểu hiện nôn trớ, lừ đừ, quấy khóc.
  • Run người, đi loạng choạng, yếu chi hoặc liệt chi.
  • Co run giật nhãn cầu, lác mắt.
  • Thay đổi giọng nói.

Mức độ 3: Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng

  • Huyết áp tăng, mạch nhanh trên 170 lần/phút (một số trường hợp mạch chậm là dấu hiệu rất nặng).
  • Vã mồ hôi, lạnh toàn thân, nhịp thở nhanh và bất thường.
  • Rối loạn tri giác

Mức độ 4: Xuất hiện triệu chứng sốc

  • Mạch bằng 0 và huyết áp bằng 0.
  • Cơ thể tím tái.
  • Khó thở hoặc ngưng thở.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng

Không có cách điều trị đặc hiệu cũng như không có vắc-xin cho bệnh tay chân miệng. Thông thường, những dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường hết sau 7–10 ngày.

Tuy nhiên, bạn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng gây khó chịu cho bằng những cách điều trị tại nhà như:

– Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay thuốc xịt gây tê ở miệng hoặc cho trẻ uống paracetamol khi sốt trên 38ºC.

  • Đừng sử dụng aspirin để giảm đau cho trẻ em vì nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Một lưu ý khác là kháng sinh sẽ không có tác dụng nên đừng tự ý sử dụng thuốc cảm cho bé.

cho trẻ ăn kem làm dịu bệnh

– Các thực phẩm lạnh như kem que, sữa chua hoặc sinh tố sẽ giúp làm dịu tình trạng đau họng.

  • Tránh cho trẻ ăn cam, quýt, thức ăn mặn và cay cũng như các thực phẩm cần phải nhai nhiều. Tốt nhất, bạn nên thay đổi sang chế độ ăn mềm, lỏng trong vài ngày và khuyến khích trẻ uống đủ nước.
  • Hãy nhớ cho trẻ súc miệng sạch sẽ sau khi ăn xong.

– Sử dụng kem chống ngứa, chẳng hạn như calamine, có thể giúp giảm bớt khó chịu khi phát ban.

Xem thêm: Làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, bệnh gây lở loét trong miệng và cổ họng khiến cho việc ăn uống trở nên đau rát và khó khăn. Một dạng bệnh tay chân miệng hiếm gặp gây ra các biến chứng như:

  • Viêm màng não do virus: đây là một bệnh nhiễm trùng và viêm hiếm gặp ở màng não và dịch não tủy bao quanh não và tủy sống.
  • Viêm não: một căn bệnh nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Biến chứng này rất hiếm gặp.
  • Viêm cơ tim cũng có thể xảy ra mặc dù tỷ lệ rất thấp.

Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả

rửa tay thường xuyên để ngừa tay chân miệng

Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin phòng chống bệnh tay chân miệng. Bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng những biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh. 
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, các vật dụng dễ bẩn, kể cả đồ chơi.
  • Tránh các cử chỉ thân mật như ôm, hôn hoặc chia sẻ dụng cụ ăn, uống với những người mắc bệnh tay chân miệng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
    Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
  • Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
    Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
  • Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
    Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
  • Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
    Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
  • Lễ trao giải ngày hội sáng tạo
    Lễ trao giải ngày hội sáng tạo

Khai giảng năm học mới 2015 - 2016

Thăm dò dư luận

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

Thống kê

  • Đang truy cập119
  • Hôm nay1,326
  • Tháng hiện tại15,022
  • Tổng lượt truy cập13,777,241

Điện thoại

  • Mầm Non Kiến Hưng
    0378.753.184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây